<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh








Người Phương Nam















































Đã Quên Sao?




Người Phương Nam

Tết qua đã hơn nửa tháng rồi mà những người Úc gốc Việt đi Việt Nam ăn tết vẫn chưa trở về. Chợ búa lưa thưa ế ẩm buồn hiu như chợ chiều 30. Tiếng rao hàng dẽo nhẹo có kèm theo câu pha trò của mấy anh bạn hàng bán trái cây thường khi vẫn vang inh ỏi gọi mời bây giờ im thin thít khiến người ta có cảm tưởng đây là một khu shop hết thời sắp closing down dẹp tiệm.

Đứng chờ mua bánh mì, tôi nghe hai bà Việt Nam nói chuyện với nhau rôm rả. Bà này hỏi bà nọ:

- Lâu quá không thấy bà đi chợ, bộ đi Việt Nam hả?

Bà nọ cười toe tóet trả lời:

- Ờ, tui về VN trước tết cả tháng lận. Đáng lẽ chưa trở qua đâu nhưng mới đây con nó kêu về nói bộ An sinh xã hội gởi giấy “hỏi thăm sức khỏe”. Tui về ló cái mặt ra cho nó thấy rồi vài bữa trở qua bển nữa. Ở đây buồn quá, về bển chơi cho vui cái tuổi già. Việt Nam bây giờ tiến bộ lắm, nhà cửa đầy đủ tiện nghi, xe cộ có máy lạnh, khách sạn 5 sao, sang còn hơn ở ngọai quốc, cái gì bên Úc có là ở bển cũng có. Ăn uống cũng vậy, nhà hàng lềnh khênh, đồ tây, đồ tàu, Mỹ, Úc, Hàn, Nhật, Thái, Ấn vv... không thiếu nước nào. Đặc biệt đồ biển tươi chong, tôm cá nhảy soi sói chớ không phải đông đá như bên này.

Nghe bà ta nói mà tôi cảm thấy bất mãn lẫn chua xót dùm cho chính phủ Úc ân nhân, đã làm ơn còn mắc oán. Tôi không hiểu sao bà lại có thể hiu hiu tự đắc nói như vậy mà không chút áy náy ngượng miệng.

Chẳng lẽ bà đã quên là bà từ đâu chạy tới đây rồi hay sao? Chẳng lẽ bà không còn nhớ tại vì sao, nguyên do nào bà có mặt ở nước Úc này?

Chẳng lẽ bà đã quên hết những kinh nghiệm xương máu dưới chế độ cộng sản phi nhân, những thống khổ đọa đày, những áp bức kềm kẹp, bóc lột tận cùng xương tủy của bọn độc tài đảng trị khiến bà không chịu đựng nổi nên phải liều mình vượt thoát ra đi bất kể sống chết thế nào.

Chẳng lẽ bà không còn nhớ gì đến chuyến vượt biển kinh hòang, những ngày đêm đói khát lênh đênh trên biển cả bao la mịt mùng vô tận, giữa bao hiểm nguy rình rập bủa vây, nào là sóng gió bão bùng, nào là hải tặc cướp bóc hết lần này đến lần nọ tưởng chừng như không còn mạng tới bờ.

Nhưng may mắn thay cho bà, cuối cùng bà đã cặp bến tự do. Nước Úc đã nhân đạo mở rộng vòng tay đón tiếp bà, đã cưu mang bà, cho bà hưởng mọi quyền lợi như người dân bản xứ, cho con cái bà có cơ hội phát triển, vươn lên và thành đạt như tất cả những con dân được sinh ra và lớn lên trong một thế giới tự do, một xã hội có luật pháp, có nhân quyền.

Và giờ đây khi bà tới tuổi hưu trí, chính phủ Úc lại còn tử tế phụng dưỡng bà trọn đạo như bà là mẹ già của họ bất kể bà có đóng góp gì cho nước Úc này hay không trong đời tị nạn của bà.

Quê hương ai chẳng nhớ chẳng muốn về, nhưng nếu về thăm thân nhân, bằng hữu, cảnh cũ làng xưa vì tình quê nung nấu trong lòng thì còn có thể hiểu được, thì còn rán dày mặt bấm bụng mà về một vài lần cho thỏa lòng thương nhớ đất tổ quê cha. Nhưng đàng này bà cứ đi đi về về như đi chợ, ở Việt Nam nhiều hơn ở Úc chỉ vì muốn du hí muốn hưởng thụ, vô hình chung bà đã tiếp tay làm đầy thêm túi tiền cho bọn chóp bu cộng sản vốn không thể đội trời chung với bà.Mỉa mai thay! một nơi mà ngày xưa bà cho là địa ngục trần gian không thể sống, bất cứ giá nào cũng phải cao bay xa chạy thì giờ đây bà lại hớn hở quay đầu về ca tụng, coi đó là thiên đường. Dĩ nhiên là thiên đường vì bà đang có đồng đô Úc trong tay. Nếu như chính phủ Úc cúp trợ cấp cho bà thì bà sẽ ra sao? Ở xứ này, bệnh họan vô nhà thương không tốn một đồng xu từ A tới Z. Còn thiên đường cộng sản từ A tới Z đều phải nộp thủ tục đầu tiên. Tội cho dân nghèo, tiền đâu mà làm thủ tục đầu tiên để được cứu chữa! Ngay cả bà, không khéo bà đổ bệnh thình lình, chắc chắn bà phải chạy bay về đây chữa bệnh thôi chớ ở đó chịu tiền sao cho thấu.

Nếu bà cho là Việt Nam ngày nay đáng cho bà sinh sống thì bà hãy ở hẳn bên đó đi và đừng lợi dụng quốc tịch Úc, dùng đồng tiền cấp dưỡng của chính phủ Úc để thủ lợi mua vui cho bà.Như vậy mới không hổ mặt bà và công bằng cho nước Úc.

Bà chỉ thấy cái vỏ hào nhoáng mị dân bề ngoài chớ có biết đâu thực chất bên trong trống rổng. Cả một bè lủ gọi là chính quyền, lãnh đạo chỉ giỏi đàn áp, tham nhũng vơ vét làm của riêng, mạnh ai nấy đầu tư ở nước ngoài thủ thân dọn đường chạy. Dân đói mặc dân. Chẳng ai có lòng thương nước thương dân, đặt lợi ích của tòan dân trên hết để cải thiện công bằng trật tự xã hội, ổn định đời sống cho dân nhờ. Dân giàu thì nước mới mạnh. Đàng này, cái nghèo đói đã khiến con người chỉ nghĩ đến làm sao kiếm miếng ăn, từ chỗ đó sinh ra lương lẹo mánh mung, trộm cướp, giựt giọc, giết người một cách ác độc vô cảm vô nhân tính. Xã hội càng ngày càng lọan, luân thường đạo lý càng xuống dốc thì đất nước càng sớm đi đến chỗ diệt vong nhứt là từ vua tới dân, mạnh ai có tiền cũng chỉ biết ăn chơi hưởng thụ mà không biết xây dựng, củng cố hay bảo vệ giữ gìn thì sớm muộn gì cũng vào tay ngọai bang thôi.

Người trong nước đã thấy vận mạt của Việt Nam cho nên ai có khả năng cũng tìm đủ mọi cách để ra khỏi nước thì tại sao bà lại "lội ngược dòng". Cái vị thế của bà, một công dân Úc ai thấy cũng ao ước thèm thuồng nhưng sao bà không biết quý, có phải là nghịch lý lắm hay không?

Mỗi người có quyền tự do riêng, muốn làm gì thì làm nhưng cũng nên lựa chọn, lựa chọn đạo lý làm người hay lựa chọn vong ân bội nghĩa, vô ý thức!


Người Phương Nam


















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com